10 điều nhầm tưởng về thế giới nghề nghiệp (phần 1)

(Quocchien242) Chỉ còn vài tháng hay chỉ vài tuần nữa thôi là bạn kết thúc đời sinh viên. Bị nhà trường "đá đít" ra và chuẩn bị bươn chải với cuộc sống. Giật mình nhận ra rằng, mình chẳng có tí kiến thức nào lận lưng cho 40 năm làm việc sắp tới. Bạn có đang ca bản hoang-mang-style không? Thư giãn đi. Hãy làm quen với những kinh nghiệm mà tôi chuẩn bị chia sẻ nhé.


Bài viết này đặc biệt phù hợp với newbie – những tân kỹ sư, cử nhân chuẩn bị ra trường. Các bạn mới đi làm trong vòng 1,2 năm đầu cũng có thể tham khảo tốt. Ngoài ra, nếu bạn có trong mình máu “nhảy việc” và “khởi nghiệp” thì cực kỳ nên đọc. Đây là những kinh nghiệm xương máu, của tôi và rất nhiều người khác đã được chứng minh trên thực tế. Nó gồm 3 giai đoạn:

GIAI ĐOẠN 1: TÌM VIỆC

1/. Nỗi ám ảnh mang tên “Thất nghiệp”:

"Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều lắm"… "Đại học bây giờ toàn đào tạo sai thực tế thôi"… "Xã hội này thừa thầy, thiếu thợ"… "Tốt nghiệp, đồng nghĩa với thất nghiệp"… "Cứ chờ mà xem, ít nhất là 6 tháng nữa mới tìm được việc em ạ!"… Những câu nói này có làm bạn sợ hãi không? Quen dần đi. Bạn sẽ được những anh chị "tốt bụng và nhiều kinh nghiệm" rỉ tai cho đấy. Không chỉ thế, những tờ báo uy tín cũng rất nhiệt tình đưa ra dữ liệu chứng minh cho điều này. Thử search google cụm từ “sinh viên thất nghiệp” xem. Có ít nhất 2 triệu kết quả để bạn tham khảo! Choáng chưa?


Sự thật là: Thất nghiệp là vấn đề của mọi người chứ không phải chỉ sinh viên. Ngay cả những người 30, 40 tuổi vẫn đi tìm việc như thường. Bạn có biết Steve Jobs không? Ông bị "hất cẳng" khỏi Apple sau gần 10 năm gây dựng, và thất nghiệp ở độ tuổi 30! Điều quan trọng là gì? Như ông nói: “Đôi lúc cuộc sống sẽ giáng cho bạn một cú vào đầu. Đừng đánh mất niềm tin”.

Lời khuyên: Thất nghiệp là 1 sự thật. Nhưng không phải đúng với tất cả mọi người. Nhiều học viên của tôi là sinh viên mới ra trường và tìm việc ngon ơ. Nhiều người không phải là học viên của tôi, thậm chí còn xuất sắc hơn, khi kiếm được việc làm trước cả khi ra trường. Hãy nhớ lấy câu thần chú này: "Điều quan trọng không phải là tuổi tác, mà là khả năng đóng góp của em cho tổ chức". Và bạn sẽ có cơ hội được tuyển dụng thôi.

2/. CV đơn giản chỉ là sơ yếu lý lịch khai theo mẫu:

Có ai biết CV là gì không? CV là bản tóm tắt khả năng và lịch sử làm việc của bạn. Nhà tuyển dụng đọc CV để có thông tin về bạn, quyết định có trao cho bạn cơ hội đến phỏng vấn hay không. Câu hỏi then chốt đây: "CV… mặt ngang mũi dọc như thế nào? Tôi biết viết gì, trình bày gì trong CV?".

Nếu bạn đem câu hỏi này tới hỏi bố mẹ bạn, câu trả lời là: "Đi ra hiệu sách mà mua!". Bạn hăm hở lao ra hiệu sách, nó sẽ giống như thế này:


và như thế này nữa:


Để vững tin hơn, bao mua luôn vài chục bộ và tiến hành “rải hồ sơ” theo đúng chỉ dậy của các bậc tiền bối – “thà rải thừa, còn hơn bỏ sót”. Sau đó, kiên nhẫn chờ đợi… 6 tháng trôi qua, mà vẫn không có Nhà tuyển dụng nào hồi âm. Sai lầm ở đâu nhỉ?

Sự thực là: Những mẫu Sơ yếu lý lịch ấy đã quá lỗi thời. Bây giờ, không mấy ai quan tâm trước Cách mạng tháng 8 bố mẹ bạn làm gì, thành phần gia đình sau cải cách ruộng đất ra sao. Cái mà Nhà tuyển dụng cần là thông tin về chính bản thân bạn. Bạn có kỹ năng hay kinh nghiệm gì hữu ích cho vị trí ứng tuyển hay không? Cách mà bạn trình bày có sáng tạo hay không? Có cho thấy bạn có tư duy, kỹ thuật tốt không…

Lời khuyên: Ngay lập tức tìm đọc bộ ebook “21 mẫu CV cho người tìm việc” của tôi hoặc rất nhiều bài viết tham khảo, mẫu CV đẹp khác được đăng tải trên mạng. Nếu có thể tham gia khóa học dạy viết CV thì còn tuyệt nữa. Lý thuyết không thể bằng thực hành. Tập viết CV càng nhiều thì bộ hồ sơ của bạn càng đẹp và cơ hội vượt qua vòng gửi xe là trong tầm tay.

3/. Phỏng vấn quan trọng nhất là làm hài lòng Nhà tuyển dụng:

"Họ là ông chủ mà! Mình đi xin việc mà! Không làm hài lòng họ thì còn ai vào đây nữa?!."... Và với niềm tin sắt đá như vậy, bạn trở nên khiêm nhường hơn cả cần thiết. Gọi dạ bảo vâng, cực kỳ ngoan ngoãn và dễ bảo:

- Em mong muốn mức lương như thế nào?
- Dạ, em mới ra trường, không đòi hỏi cao, nên thế nào cũng được ạ.
- Em có thể làm việc gì?
- Vâng, em còn trẻ, việc gì anh/chị giao em cũng nhận hết ạ.
- Bao giờ thì em có thể đi làm?
- Khi nào anh/chị gọi thì em đi, kể cả ngay ngày mai cũng được ạ.
- Em có câu hỏi gì không?
- Dạ không ạ. Anh/chị có hỏi gì em nữa không ạ?...

Sự thật là: Tuyển dụng là quá trình tương tác giữa 2 bên. Đừng vì khái niệm “tìm việc”, “xin việc” mà không đủ dũng khí để thể hiện đúng bản thân mình. Nói những lời tích cực thì hay đấy. Nhưng nếu nịnh bợ lộ liễu, không có chính kiến và thường xuyên nói dối trước những câu hỏi vòng vo sẽ khiến nhà tuyển dụng phát ngán với bạn. Để rồi, họ phải thốt lên: “Em rất ngoan, nhưng anh rất tiếc. Anh cần người có lập trường, chứ không phải đồng ý 1 cách mù quáng. Chưa kể, sẽ rất rủi ro nếu sau này vào làm việc, em mới bộc lộ bản chất của em, không giống như những gì em đang thể hiện…”.

Lời khuyên: Tư duy tích cực và hãy tin vào chính mình. Nhà tuyển dụng đủ tinh để nhận ra bạn đang nói dối. Hãy nhớ rằng, bạn cũng đang tìm 1 nơi làm việc xứng đáng với mong muốn của bản thân. Nếu có gì cần cải tiến, thì đó là luyện tập khả năng giao tiếp, thuyết trình, để có thể tìm ra nhiều cách diễn đạt khác nhau cho cùng 1 nội dung. Và tùy vào từng trường hợp để áp dụng linh hoạt nhé.

----- 
Giai đoạn đầu tiên này, sự chuẩn bị đóng vai trò then chốt. Bạn cần định hướng nghề nghiệp rõ ràng, vạch ra những bước đi cụ thể như: chuẩn bị CV, hồ sơ tốt, rèn luyện kỹ năng phỏng vấn, thuyết trình; tìm kiếm thông tin công ty, việc làm phù hợp… Rồi sẽ vượt qua. Thất nghiệp chỉ đúng với những người không có chuẩn bị tốt và sai về kỳ vọng. Bạn có nằm trong số đó không? Hãy chứng minh, mình không phải dạng vừa đâu, và chờ đón bài viết tiếp theo nhé.

- Nguyễn Quốc Chiến,

No comments:

Post a Comment