10 điều nhầm tưởng về thế giới nghề nghiệp (phần 2)

(Quocchien242) Bạn đã chuẩn bị kĩ và có sự khởi đầu thuận lợi. Trúng tuyển rồi, bạn hồi hộp chờ đến ngày làm việc đầu tiên. Đồng thời mơ ước xa xăm đến ngày cuối tháng cầm lương về khoe với bố mẹ. Cứ bình tĩnh, vẫn còn nhiều điều bạn cần biết thêm.

Phần 3: Giai đoạn 3: Nhảy việc


GIAI ĐOẠN 2: LÀM VIỆC 


1/. Mặc trang phục đẹp, ngồi phòng điều hòa, ngày làm 8 tiếng, đó gọi là công việc? 

Bạn sắm cho mình những bộ cánh bảnh bao: nào là áo vest, sơ mi dài tay, ngắn tay, minizuyp, váy áo điệu đà với những thỏi son mộng mị. Trông bạn thật cá tính và cuốn hút. Nhưng ngay ngày làm việc đầu tiên bạn đã phải xuống công trường, hoặc chở đồng nghiệp (thậm chí là sếp) đi gặp khách hàng, điều tra thị trường cùng hàng tá những việc vặt không tên khác khiến cho mọi thứ trở nên rối mù. Bộ đồ lịch lãm bây giờ lại trở nên vướng víu. Nếu như đó không phải là đồng phục, hoặc quy định bắt buộc, chắc bạn muốn bỏ quoách nó đi và thay bằng những bộ quần bò, áo phông bụi bặm một thời. Ác mộng hình như mới chỉ bắt đầu… 

Sự thật là: Thế giới nghề nghiệp rất khác và thay đổi từng ngày. Đặc biệt, khi bạn là nhân viên mới, lại trẻ và độc thân, thì việc phải làm những việc lặt vặt hỗ trợ mọi người là chuyện đương nhiên. Bạn có thể không hài lòng và giận dỗi. Ok, fine! Đời là thế. Đến Bill Gates còn nói rằng: “Cuộc sống vốn không công bằng. Hãy tập quen dần với điều đó” cơ mà. 


Lời khuyên: Hãy nhớ rằng bạn không khác Thực tập sinh là mấy. Khi kỹ năng và kinh nghiệm chưa nhiều, thì hẳn nhiên sếp sẽ không giao ngay cho bạn những việc quan trọng. Hơn nữa, đây cũng là cách để bạn hòa nhập với tập thể một cách dần dần. Hãy đáng yêu và giữ cho mình thần thái tươi tỉnh, mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. 

2/. Tự do, tôi yêu sự tự do: 

Không còn những tháng ngày vô tư ngủ nướng như thời còn đi học nữa. Nếu đi làm muộn, bạn không được chấm công, trừ lương, hoặc nộp phạt. Nếu bạn mắc lỗi, bạn sẽ bị khiển trách. Nếu khiển trách nhiều lần, bạn có thể bị sa thải. Bạn sẽ phải để ý lời ăn tiếng nói của mình. Vì đã có nội quy và văn hóa công sở. Bạn cảm thấy gò bó và mơ về những tháng ngày sinh viên tươi đẹp. 

Sự thật là: Chỉ vì bạn đã quá tự do khi còn đi học, không có nghĩa rằng cuộc sống cũng “hoang dại” như vậy. Ở đâu cũng có nề nếp, quy chuẩn riêng. Thử tưởng tượng xem, nếu như ai cũng chỉ làm những gì mình thích mà bất cần biết người khác bị ảnh hưởng như thế nào thì sao? Giống như là tắc đường, kẹt xe vậy. Ai cũng lao về phía trước, khiến cho đám đông trở nên hỗn độn. Kỉ luật là cần thiết, ít nhất để mọi người tuân thủ những giá trị cốt lõi và văn hóa của công ty. Cứ trải nghiệm đi, rồi bạn sẽ hiểu. 

Lời khuyên: Đừng vội phản ứng quá mạnh mẽ trước những quy định. Cũng đừng nản chí, cho rằng mình đang không sống đúng với chính mình. Bạn cũng giống như những cô gái chuẩn bị về nhà chồng, nhập gia thì tùy tục. Khi thích ứng rồi, bạn sẽ thấy thư giãn hơn. Tìm ra những điểm thú vị ở công việc đó, qua thời gian, bạn sẽ quên dần cảm giác kháng cự ban đầu và ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Đó chẳng phải là hình mẫu bạn vẫn hướng tới sao?!. 

3/. Đi làm quan trọng nhất là thu nhập… và lương hưu: 

Hỏi 100 người thì cả 100 người đều nói: “Quan trọng nhất là thu nhập”. Không chỉ vậy, bố mẹ bạn giúp bạn quan tâm đến bài toán cuối đời, đó là lương hưu. Điều này không sai, nhưng ở giai đoạn mới khởi nghiệp, có nên coi đó là quan trọng nhất? 

Sự thật là: Phần lớn sinh viên mới ra trường đều không nhận được lương cao trong năm đầu tiên. Bởi vì doanh nghiệp phải mất nhiều công sức đào tạo, hỗ trợ bạn để quen việc, trong khi hiệu quả của bạn chẳng được bao nhiêu. Sự thật là, bạn sẽ mất trung bình 3-6 tháng mới bắt kịp tiến độ của công việc và kỳ vọng của công ty. Mức lương chưa cao không phải là sếp đang chèn ép bạn đâu, đó chỉ là chi phí cơ hội cho công ty và phép thử để bạn nỗ lực nhiều hơn mà thôi. 

Lời khuyên: Thay vì đứng núi này, trông núi nọ khi cứ suýt xoa rằng những đứa bạn mình nhận được lương cao hơn ở công ty khác, thì hãy tập trung vào làm tốt phần việc của mình. Và cám ơn những gì mình nhận được: một môi trường trẻ, năng động, với những đồng nghiệp cá tính, sếp tâm lý, sống bằng lương, giàu bằng thưởng… và hàng lô những lợi ích khác. Sau 1 năm nhìn lại, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Với những kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy, bạn hoàn toàn có thể đàm phán với sếp hoặc tìm kiếm 1 công việc mới với mức lương cao hơn. 

4/. Tôi có cống hiến, mà sao không được ghi nhận? Dường như sếp và đồng nghiệp chỉ quan tâm đến những sai sót của tôi: 

Bạn rất nhiệt tình làm việc, năng nổ giúp đỡ mọi người. Nhưng chỉ cần 1 lần làm sai là tất cả đều ghi nhớ, thỉnh thoảng lại nhắc lại rất bực mình. Bạn có bất mãn không? Đó là… chuyện thường ngày ở huyện! 

Sự thật là: Con người ta vốn vị kỉ. Ai cũng thường nhìn vào cái xấu của người khác để chê bai, nhắc nhở. Đó là phản ứng “trần tục” của con người. Bạn cũng vậy thôi. Nhớ lại mà xem, lần cuối cùng bạn khen ai đó là khi nào? Thế còn chê thì sao, chắc thường xuyên hơn nhỉ?!. 

Lời khuyên: Kệ nó thôi. Nếu mình sai thì hãy rút kinh nghiệm. Còn nếu đúng, hãy hạnh phúc và tự thưởng cho mình về điều đó. Cãi lộn, giận dỗi, bất mãn… chỉ khiến bạn “già đi” và ngày càng xa lánh với tập thể. Hãy nhớ mục tiêu của bạn khi bắt đầu vào làm là gì? Kiên định với mục đích đó và bỏ qua những chuyện lặt vặt. Sau này, gặp lại nhau, những sai lầm đó có khi lại là kỉ niệm vui để anh chị em hàn huyên chuyện cũ. Vui lên nhé, ngày mai trời lại sáng. 



----- 
Giai đoạn tiếp theo này, sự thích ứng với môi trường mới là điều quan trọng nhất. Quá trình học hỏi của bạn giờ mới bắt đầu. Hãy tận dụng mọi cơ hội để nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân. Rồi bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Nếu như tôi có thể thăng tiến lên vị trí Trưởng nhóm/Giám sát ngay trong năm đầu tiên sau khi ra trường, thì bạn cũng có thể làm được điều đó. Cố gắng lên và hẹn gặp bạn ở bài viết tiếp theo. 

- Nguyễn Quốc Chiến, 
Chuyên gia Tư vấn, Đào tạo 

No comments:

Post a Comment