Nếu được sinh ra lần nữa, con vẫn nguyện được làm con của Mẹ!

(Quocchien242) Bài viết của vợ tôi đạt giải Nhì trong cuộc thi "Lời muốn nói" do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) tổ chức. Cảm xúc về mẹ luôn rất chân thật và hiện hữu. Đọc xong, ắt hẳn khóe mặt bạn sẽ hơi cay cay, kí ức ùa về và cả những giật mình - có phải ta đã vô tâm với người vẫn ngày đêm lo lắng cho mình...

Vẫn là con đường ấy, vẫn là qua những hàng cây, là những ngã ba, ngã tư những con phố cổ nhưng hôm nay nó thấy trong mình khác lắm. Chắc có lẽ cảm giác ấy chỉ có ở mùa thu Hà Nội. Mỗi khi thu đến lại làm cảnh vật nên thơ hơn và con người cũng trở nên tâm trạng hơn.

Nó nhớ ngày ấy cũng là một ngày mùa thu như thế, lần đầu tiên nó sống xa gia đình, lần đầu tiên nó lên thủ đô để bắt đầu hành trình của một sinh viên. Sau những ngày nhập học nó được xếp ở ký túc xá cùng phòng với mấy người bạn gái nữa, mỗi người ở một quê khác nhau, ở các tỉnh khác nhau. Các bạn trong cùng phòng ai cũng có Bố, Mẹ hay người thân đến thăm, những ngày này thật vui vì nó được thưởng thức đủ mọi thứ đặc sản vùng miền của các Bố, các Mẹ mang theo làm quà cho con. Có lẽ vì ai cũng lo cho các con lần đầu tiên xa nhà nên đến thăm, đến xem chỗ ở, chỗ học của các con như thế nào? Khu ký túc xá tuần đầu tiên nhập học lúc nào cũng rộn ràng cả lên. Riêng nó đã 2 tháng trôi qua kể từ ngày nhập học nhưng chẳng có đến thăm nó cả. Nó cũng nghĩ gia đình nó bận lắm chắc không có thời gian đến thăm nó nên nó cũng không suy nghĩ nhiều.

Hôm đó đang trong tiết học môn thể dục, bạn nó gọi “nghe điện thoại của Mẹ cậu này” (lúc đó với nó điện thoại là thứ xa xỉ mà nó chỉ dám nhìn các bạn dùng thôi vì điều kiện cho nó đi học là sự cố gắng của Bố, Mẹ rồi, nó chẳng dám đòi hỏi nhiều hơn nữa trong gia đình nông thôn có đến 4 anh em cùng ăn học) nó vui mừng khôn xiết chạy lại nghe điện thoại : “Mẹ đang ở cổng trường con rồi, mẹ gọi điện thoại dịch vụ công cộng ở cổng trường”. Nó vui lắm lắmvừa học vừa hát và trong bụng chỉ mong đến giờ tan thôi. Kết thúc tiết học nó vội vàng chạy, chạy không biết trời biết đất là gì, sân thể dục ở khá xa so với cổng trường. Nó chạy nhanh đến nỗi mà vấp phải cục đá bị ngã đập cả người xuống đất, móng chân cái bị bong ra và chảy máu nhưng nó không thấy đau và lại phủi tay chạy tiếp trong lòng nó lúc này chỉ nghĩ đến mẹ. Chạy đến cổng trưởng nó thở hồng hộc và đứng sững lại khi nhìn thấy mẹ, nó không hiểu tại sao không phải là cảm giác vui mừng nữa mà lại thay vào đó một cảm giác dỗi hờn trách móc. Nó đưa mắt nhìn mẹ một lượt từ đầu tới chân rồi lững thững bước lại gần chỗ mẹ đang đợi.

Mẹ vẫn gầy như thế, vẫn là hình ảnh gắn với nó suốt cả tuổi thơ cho đến tận bây giờ, tất cả nỗi vất vả lam lũ sương gió nắng mưa hình như nó in hằn từng vết lên trên khuôn mặt bé nhỏ của mẹ, vết tàn nhang , vết chân chim, làn da đen nhẻm sạm nắng… những vết sước ngang dọc màu đen khắp trên lòng bàn tay mà chẳng bao giờ nó thấy mất đi dù chỉ một lần. Vì để nuôi 4 anh em được ăn học đầy đủ mẹ đã làm không biết bao nhiêu nghề, bao nhiêu là công việc lúc thì thu mua Ngô của các hộ dân trong làng bán buôn , lúc thì buôn Ỗc, buôn Ếch, rồi đến mùa thu hoạch Lúa, Sắn thì buôn Lúa, buôn Sắn…cứ quanh năm như vậy. Ấy vậy mà chưa bao giờ nó thấy mẹ mua cho mình một cái áo hay cái quần mới nào, những bộ quần áo cứ mặc đi mặc lại đến khi đổi màu vì bạc nắng vì mòn, đôi dép lê đi khắp các con ngõ đến rách rời ra không thể đi được nữa mẹ mới bỏ đi.


Trên tay mẹ lúc này là một túi bóng trong đó là một nải chuối đang chín dở vì có quả vẫn còn xanh nó đoán là chuối nhà nó mẹ mang theo làm quà, một tay mẹ dắt chiếc xe đạp cũ mà nó đã đi học suốt mấy năm học trung học. Nó lại gần hỏi: “Mẹ đợi con lâu chưa ?” cái giọng lí nhí trong tận cổ họng. Rồi nó dật lấy nải chuối trên tay mẹ bảo “Mẹ về đi hôm nay trong phòng con có buổi thảo luận nhóm nên con rất bận, mẹ về đi không trưa nắng lắm đấy. Lần sau mẹ đừng lên thăm con nữa - Ừ mẹ về đây cố gắng học tốt nhé” nó thấy mẹ lấy tay gạt qua mắt bảo: “ đi đường bụi quá con ạ chảy cả nước mắt, Mẹ về đây”. Nó cũng không để ý là bụi hay nước mắt mẹ, nó quay người đi không nói thêm lời nào nữa nước mắt nó rơi xuống lòng bàn tay đang mân mê cái vạt áo, nó ngoảnh lại không còn thấy bóng mẹ đâu nữa nó khóc nức nở và thấy trong lòng nghẹn đắng và có thứ gì đó nhói ở trong tim. Nó ngồi thụp xuống nhìn mũi giầy bị bục và dính vết máu. Nó muốn được ôm mẹ, nó muốn mẹ lên thăm nơi nó ở và giới thiệu bạn cùng phòng của nó cho mẹ lắm, nó có nhiều chuyện mới biết đến ở thể giới này muốn kể cho mẹ lắm. Nhưng không hiểu sao nó lại hành động như thế, nó đang hờn trách Mẹ, nó xấu hổ, nó mặc cảm với vè bề ngoài khắc khổ ấy. Nó sợ bạn bè nó chê cười vì có một người mẹ nghèo khó, ăn mặc nhếch nhác và lên thăm nó bằng xe đạp. Sau khi phải vất vả đạp xe từ quê lên thành phố thăm nó, nó chỉ nghĩ rằng mẹ nó lại tiếc tiền không dám bỏ tiền đi ô tô khách hay xe bus, không có lấy nổi một bộ quần áo cho ra hồn để mặc khi lên thăm nó. Nó ghét phải nhìn thấy hình ảnh ấy. Nó ích kỷ nghĩ đến bản thân mình, sợ những cái nhìn mỉa mai, sợ những câu nói độc mồm độc miệng sau lưng nó, sợ bị nói là đồ nhà quê nghèo khổ nếu thấy nó đi cùng mẹ. Nó để mẹ đi về. Nó cũng thấy đau lòng, nó cũng thấy thương mẹ lắm lắm nhưng nó vẫn còn là một đứa trẻ. Ngay lúc này, nó ước nó được sinh ra ở một gia đình khác, nó ghét phải nhìn thấy gương mặt chai sạm người lúc nào cũng đầy mùi mồ hôi của mẹ nó. Nó ước mẹ nó là một người khác. Nó thật xấu xa. Và đó cũng là lần duy nhất mẹ lên thăm nó, mẹ nó chỉ gọi điện và gửi tiền, gửi gạo cho nó hoặc nó về thăm nhà mỗi dịp nghỉ hè, tết.

Đến bây giờ khi nó đã có một gia đình riêng, đã trở thành một Người mẹ giống như Mẹ của nó, nó mới hiểu sâu sắc thế nào là sự hi sinh và tình yêu thương, thể nào là tình mẹ. Có những việc nó nghĩ không bao giờ nó có thể làm được trước đó, nếu mất điện nó sẽ nhấp nhổm cả đêm không ngủ chỉ để cầm quạt nan quạt và dùng khăn lau mồ hôi cho con. Hôm nào con nó sốt là y như rằng nó thức cả đêm để lấy nước ầm trườm lau mát rồi thuốc thang cho con. Việc nó luôn nghĩ đến đầu tiên mua quần áo đẹp cho con, mua đồ ăn ngon cho con, nghĩ đến những nơi sẽ cho con khám phá, và nó cũng quên nghĩ về bản thân mình như mẹ nó vậy.


Nó thật sự hối hận vì những hành động bồng bột của mình năm xưa, nó xấu hổ với chính bản thân mình, nó thấy thật trẻ con và ấu trĩ, nó hối hận vì đã làm mẹ tổn thương. Khi đã làm một người Mẹ nó mới biết quý trọng những vết chân chim, những vết tàn nhang, những vết trầy sước màu đen trên da mẹ. Nó nhớ câu nói của nhà văn Nguyên Hồng khi ông viết về mẹ: “ Lòng mẹ chính là nơi ẩn náu yên ổn nhất, và nơi ẩn náu yên ổn nhất chính là lòng mẹ”. Mẹ của nó chính là như thế. Nó muốn nói với mẹ rằng : “Mẹ, Con xin lỗi Mẹ, con yêu Mẹ nhiều lắm”. Con xin lỗi vì những suy nghĩ ích kỷ của mình, xin lỗi vì đã từng ước Mẹ không phải là mẹ của con và con được sinh ra ở một gia đình khác. Con thật sự cảm ơn Mẹ vì đã sinh ra con vì đã là mẹ của con đã yêu thương con, vì đã dành chọn cuộc đời hi sinh vì con. Và nếu được sinh ra lần nữa con vẫn nguyện được làm con của mẹ.

- Nguyễn Thị Dung - Kem Kin,

No comments:

Post a Comment