Người hướng nội có làm Kinh doanh được không?

(Quocchien242) Nhiều bạn thắc mắc rằng: "Kinh doanh là lĩnh vực cần giao tiếp, cởi mở, nhiệt tình, giàu năng lượng... Vì vậy nó phù hợp với những Người hướng ngoại. Thế còn Người hướng nội thì sao? Họ có thể làm Kinh doanh được không?".

người hướng nội có làm kinh doanh được không - nguyễn quốc chiến


Một câu hỏi hay và không phải hiếm. Mình biết nhiều Người hướng nội, nhưng lại thích tìm hiểu về lĩnh vực Kinh doanh. Họ thích những hình ảnh tự tin, lịch lãm và hoạt bát của Doanh nhân. Họ cũng thích sức hấp dẫn tỏa ra từ những người Tư vấn bán hàng - điều mà họ luôn thiếu. Ngoài ra, có một sự thật khách quan khác là, phần lớn dòng sách kỹ năng hiện nay đều liên quan đến Kinh doanh. Mà Người hướng nội lại là những con mọt sách! Vậy nên, lâu dần ngày càng thích nghề Kinh doanh cũng là một logic khá hợp lý.

Ok. Sở thích của bạn không có gì sai cả. Điều bạn lo lắng là với tính cách hướng nội của mình, thì có phù hợp để làm nghề Kinh doanh hay không. Đây là những chia sẻ của mình - một Người hướng nội 100%:

diễn giả nguyễn quốc chiến

Người hướng nội có đặc điểm là không hào hứng, chủ động kiếm tiền, làm đầy doanh thu hay hối thúc khách hàng ký kết hợp đồng. Người hướng nội có thói quen chìm vào im lặng để nghiền ngẫm về một cái gì đó mà họ đang quan tâm. Vì vậy, Người hướng nội thường hợp với nghề nghiên cứu, phác thảo kế hoạch, chiến lược... hơn là chinh chiến trên thực địa. 

Bản thân mình cũng từng làm Trưởng phòng Kinh doanh trong nhiều năm. Ngay cả khi mình làm Nhân viên Kinh doanh hay Quản lý thì thường luôn nằm trong nhóm xuất sắc, vì kỹ năng lắng nghe, tư vấn, thuyết phục... tốt. Khách hàng đồng ý ký hợp đồng nhiều khi không phải vì sản phẩm/dịch vụ được giới thiệu, mà ở niềm tin, thiện cảm với người bán hàng. Đấy là ưu điểm ủng hộ cho Người hướng nội khi làm trong lĩnh vực tư vấn (nhấn mạnh là Tư vấn Kinh doanh). Còn thói quen chìm sâu vào suy nghĩ như mình phân tích bên trên, lại là nhược điểm khiến cho Người hướng nội khó đi lâu với nghề này. Giải pháp là, trong trường hợp Người hướng nội cần làm Kinh doanh (khởi nghiệp, quản lý, chuyên viên tư vấn... như mình làm) thì nên có thêm 1 người có khả năng thúc giục ở bên cạnh. Người đó có thể là cấp trên, cộng sự, hoặc cấp dưới. Nếu không, Người hướng nội có thể vô thức để thời gian trôi qua mà không tập trung làm Kinh doanh và không đáp ứng được mức doanh số cần thiết.

Đây là những kinh nghiệm sâu sắc của mình trong quá trình làm Kinh doanh với đặc điểm 100% hướng nội. Mình vẫn luôn muốn làm những việc phù hợp với hướng nội, nhưng kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức của bản thân lại có lợi thế trong việc hướng ngoại như: Kinh doanh, Marketing và Đào tạo (mình thậm chí có thể làm 3 công việc này cùng lúc, kiểu 3 trong 1). 

diễn giả nguyễn quốc chiến

Đúc kết lại, những ưu điểm ủng hộ Người hướng nội trong nghề Kinh doanh là:

- Sẵn sàng lắng nghe (điều mà khách hàng thích)
- Cho cảm giác tin cậy được (giúp khách hàng an tâm)
- Tôn trọng, không bắt bẻ ý kiến của người khác (khách hàng cảm thấy được tôn trọng)
- Hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ (nhờ khả năng nghiên cứu sâu một vấn đề)
- Luôn sáng tạo giải pháp thay thế (khi không thích hoặc e ngại làm những cách truyền thống như gọi điện, rao bán, mời ăn uống nhậu nhẹt để chăm sóc quan hệ... Người hướng nội sẽ tìm cho mình những hướng đi khác như: tặng quà, viết bài marketing, mời đi uống trà, cafe, gửi email, kết bạn Facebook, Zalo...)

Những điểm yếu không ủng hộ Người hướng nội trong nghề Kinh doanh là:

- Ngại rao to rằng mình đang bán hàng (cản trở việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, công việc của mình)
- Không thích nổi bật trong đám đông, nói chuyện, làm quen với nhiều người (hạn chế việc mở rộng tập khách hàng và được mọi người chú ý)
- Không thích chủ động gọi điện thoại, tiếp cận với người lạ (mất nhiều năng lượng để vượt qua trở ngại này, đặc biệt khi hầu hết công việc kinh doanh hiện nay đều cần telesales)
- Không tích cực theo đuổi doanh thu, chốt hợp đồng (thời gian trôi rất nhanh, nếu không muốn bị loại vì không đạt mức cam kết thì phải có giải pháp cho thói quen này)
- Nhiều khi mải chìm vào suy nghĩ, truy đuổi sự cầu toàn mà tạo ra khoảng cách với những người xung quanh (ảnh hưởng đến tinh thần chung của cả nhóm, bộ phận)

Phương pháp khắc phục, chủ yếu là 3 hướng sau:

- Tìm công việc phù hợp với đặc điểm hướng nội: Nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn 1-1...
- Thay đổi bản thân để phù hợp với nghề kinh doanh: Cởi mở, hoạt bát hơn, nhiệt tình, chủ động...
- Có thêm người hỗ trợ, thúc giục, lên tinh thần, động lực để mình hoàn thành nhiệm vụ.

Chúc bạn có thêm tự tin và tìm ra cách thức tốt nhất để đạt được những công việc mà mình mong muốn.

- Nguyễn Quốc Chiến,
Chuyên gia Tư vấn, Đào tạo

No comments:

Post a Comment