20 tuổi gia đình tan vỡ, công việc vỡ tan, người đàn ông này lao vào tập gym và tạo ra chuỗi phòng tập lớn nhất Việt Nam

(Quocchien242) Mọi thứ đổ vỡ, chia tay vợ khi có một con gái ở tuổi 20; giấc mơ làm du lịch tan biến theo mây khói, người đàn ông cảm thấy mọi thứ đều sai thời điểm và lao vào tập gym như một thứ cứu cánh.

20 tuổi gia đình tan vỡ, công việc vỡ tan, người đàn ông này lao vào tập gym và tạo ra chuỗi phòng tập lớn nhất Việt Nam
Randy Dobson, chủ thương hiệu phòng tập California Fitness, một người đàn ông cơ bắp, hình thể đẹp như một người mẫu nam, từng có một tuổi trẻ đầy những biến cố.

Chính thể thao đã vực anh dậy sau hàng loạt vấp ngã đầu đời, và cũng chính thể thao đã đưa đời anh sang trang với hàng loạt thành công về sau. Là chủ sở hữu hệ thống 30 phòng tập Gym tại Việt Nam cùng nhiều thương hiệu khác, hiếm ngày nào Randy không tập thể hình. Việc tập luyện đều đặn dường như đã ngấm vào máu người đàn ông Mỹ trong suốt 20 năm qua, lúc này đã bước sang tuổi ngoại tứ tuần.
Cú ngã kép đầu đời: Hôn nhân tan vỡ, công việc vỡ tan
Randy Dobson sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở Washington, Mỹ. Năm 18 tuổi, anh lấy vợ. Hai năm sau, vợ chồng anh sinh hạ một bé gái nhưng rồi cả hai lại quyết định ly hôn.
Randy vốn học ngành du lịch và ước muốn làm việc trong ngành du lịch. Ở tuổi 20, giấc mơ của Randy là thám hiểm những vùng xa xôi của thế giới. Nhưng thời điểm đó, thế giới bỗng thay đổi, Internet xuất hiện. Việc đặt các tour qua Internet gần như đã thay đổi diện mạo ngành du lịch. Những gì Randy học tại trường lúc này bỗng trở nên khó có thể áp dụng. Người ta không còn liên hệ hãng để đi du lịch nữa.
Biến cố gia đình đầu đời xảy ra đồng thời khi giấc mơ làm du lịch tan vỡ. Thất bại kép khiến Randy mất phương hướng. Anh nhận ra mọi thứ mình làm đều sai.
Buồn vì chuyện hôn nhân, vì công việc, người đàn ông một con lao vào luyện tập thể thao như một sự cứu cánh. Việc tập luyện cường độ cao khiến Randy cảm thấy mình vui hơn, có nhiều năng lượng hơn.
Trong thời gian đó chàng trai trẻ cũng tự hỏi bản thân: “ Nếu như hai lựa chọn kia đã sai, mình phải làm gì tiếp theo để không phải thất bại nữa?”
Randy nhận ra trong cứ bất kì hoàn cảnh nào, mọi người cũng cần chăm sóc sức khỏe và tinh thần để có nhiều năng lượng cho bản thân. Bản thân anh khi đó cũng đang phải trải qua giai đoạn khó khăn và chính thể thao đã mang lại cho anh niềm vui không ngờ tới.
Ngay lúc đó, Randy bắt đầu cảm thấy rõ ràng, rằng chính thể hình là điều mà anh muốn làm. Anh quyết định rời khỏi thị trấn mình sinh sống và chuyển đến Seattle. Randy chọn nơi này để bắt đầu lại cuộc đời của mình, bắt đầu làm việc tại một trung tâm tập gym nhỏ có tên 24h Fitness, và thăng tiến không ngờ.
Ông chủ của 24h Fitness tên Mark. Mark đi đâu cũng dẫn Randy theo.
Vài năm sau, khi Randy 29 tuổi, anh gặp Mark và nói: Tôi muốn làm điều gì đó cho riêng mình.
Randy đã nghĩ Mark sẽ rất thất vọng. Nhưng ngược lại, Mark ngỏ lời sẽ cùng đầu tư với Randy. Mark chỉ đề nghị, Randy có thể tìm kiếm một thị trường mới để thực hiện ước mơ, với điều kiện nơi đó không có xự xuất hiện của 24h Fitness.
Tại thời điểm đó, Randy không hề hay biết đến câu chuyện có một công ty khác muốn mua lại hệ thống 24h Fitness. 6 tháng sau một công ty đã mua lại 24h Fitness với giá là 1,6 tỷ USD. Lúc đó Randy là một trong những thành viên cốt cán của tập đoàn nên cũng có cổ phần.
Đó là một phần tiền để giúp Randy tái đầu tư vào dự án mới của đời mình.
Vào năm 2007, Randy Dobson đã chính thức mở một câu lạc bộ đầu tiên tại Việt Nam ở Parkson Hùng Vương, quận 5, TP HCM. Thời điểm đó, 3 người chính thức trong ban quản trị gồm có Randy, Mark và một người khác nữa.
18 tháng sau đó, 2 người còn lại quyết định bán hết cổ phần cho Randy. Randy chính thức nắm quyền quản lí và phát triển hệ thống phòng gym này, đặt tên trung tâm là California Fitness & Yoga Center.
"Không đâu thuận lợi như Việt Nam"
“Giới truyền thông phương Tây chưa từng nhắc tới Việt Nam ngoài chiến tranh và thậm chí ngay cả tôi, tôi chưa bao giờ nghe về điều này trước đây. Tôi nhìn vào nhân khẩu học lúc đó thấy Việt Nam có tỉ lệ biết chữ lớn nhất Đông Nam Á, địa lý rộng lớn và sử dụng một ngôn ngữ duy nhất”, Randy cho hay.
Theo Randy, những năm 1950, giữa Sài Gòn, Hong Kong, Bangkok, Singapore thì Sài Gòn là nơi phát triển hơn hết thảy những thành phố còn lại. Và không có nhiều sự thay đổi nào trong suốt thời gian sau chiến tranh cho tới khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Việt Nam đã thay đổi rất nhiều.
“Tôi cũng nhìn thấy nền giáo dục cao ở Việt Nam, những người trẻ ở Việt Nam được học tập ở nước ngoài, ở Mỹ và sau đó về nước. Tôi nhìn thấy tất cả những khía cạnh ấy, những thứ mà không quốc gia nào ở Đông Nam Á có được. Tất cả những yếu tố xã hội này, điều đó thực sự thú vị. Ví dụ như Thái Lan hay Philippines có nền chính trị khá bất ổn, với 1500 đảo lớn nhỏ; hay như Indonesia có nhiều tôn giáo và đảo rải khắp nơi... Điều đó rất khó để đo lường và quản lý. Và tôi cũng đã từng thử, với Trung Quốc, tôi đến Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi đó rất rộng lớn và quá rộng lớn thì cũng rất khó quản lý”, Randy nói.
Randy nhớ lại lần đầu tới Việt Nam năm 2005. Khi dạo quanh Sài Gòn vào buổi sáng sớm, Randy bắt gặp hình ảnh mọi người đều tập thể dục trong công viện. Cả người già, trẻ em đều tập trong công viên, điều mà anh chưa từng thấy ở Hong Kong hay Singapore.
Điều thú vị thứ hai ở Việt Nam, theo Randy, là những quán cà phê. Người Việt có văn hóa uống cà phê rất riêng biệt. Randy nảy ra ý muốn tạo ra điều gì đó, kết hợp cả hai yếu tố thú vị trên. Anh muốn tạo ra một nơi vừa thể dục thể thao, vừa là giải trí nhưng không phải là tại gia hay trên cơ quan. Và thế là California Fitness ra đời.
Hiện tại, sau 3 năm, kể từ khi quỹ đầu tư Mizuho của Nhật mua 10% cổ phần của California Fitness với giá 15 triệu USD hồi năm 2013 (định giá 150 triệu USD), Randy đã phát triển công ty bằng việc đầu tư xây dựng loạt công ty trong hệ sinh thái tăng cường sự sống.
Ngoài hệ thống câu lạc bộ thể hình California, Công ty cổ phần CMG.ASIA - đơn vị chủ quản thương hiệu California Fitness, còn đầu tư và quản lý 4 hệ thống nhỏ khác gồm: Nhóm công ty gồm các trung tâm thể hình (5 thương hiệu), nhóm các trung tâm sức khỏe (2 thương hiệu), nhóm bán lẻ (27 cửa hàng thể thao) và nhóm truyền thông giải trí (các kênh online như Yeah1, các công ty quản lý người nổi tiếng, các công ty sản xuất nội dung có thể truyền tải thông điệp sống khỏe).
Năm 2016, CMG.ASIA cho biết doanh thu toàn hệ thống đạt 75 triệu USD, tăng vọt so với mức 48 triệu USD của năm 2015. Randy dự tính doanh số sẽ đạt 110 triệu USD vào năm 2017.
Hiện tại, hệ thống câu lạc bộ thể hình của California Fitness hiện có 150 nghìn thành viên mua thẻ tập dài hạn. CMG.ASIA, có 3.600 nhân viên, 95% là người Việt, gồm 600 nhân viên bán hàng và gần 1.000 huấn luyện viên cá nhân.
Randy và vợ anh - người Canada sống tại Hong Kong, hiện sở hữu 90% CMG.ASIA thông qua quỹ tín thác gia đình.
Thế Trần
Theo Trí Thức Trẻ

No comments:

Post a Comment