4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ

(Quocchien242) Trên những đoạn đường cuộc đời, khi gặp bất trắc chúng ta thường oán trách số phận: “Sao đời lại bất công như thế?”. Nhưng với người Ấn Độ, họ luôn dùng kim chỉ nam là 4 quy tắc tâm linh đầy sâu sắc dưới đây để sống an nhiên và thuận duyên. 



1. “Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp”

Không ai ngẫu nhiên bước vào cuộc đời bạn mà không mang một ý nghĩa nào đó. Tất cả những người chúng ta gặp trên đường đời đều là những người “thầy” vô giá. Dù họ yêu thương bạn, bỏ rơi bạn, giúp đỡ bạn hay tranh đấu với bạn, tất cả chỉ để dạy bạn cách sống, cách yêu thương, cách bao dung và nhẫn nhường. Số phận luôn sắp đặt đúng người vào đúng thời điểm để tôi luyện ý chí và phẩm cách con người bạn, để bạn nhận ra đâu là giá trị cuộc sống và giá trị của bản thân mình.


Không ai ngẫu nhiên bước vào cuộc đời bạn mà không mang một ý nghĩa nào đó 

Vậy nên, nếu bạn chỉ biết ơn những người trao cho bạn cơ hội mới, những người tặng bạn những khoảnh khắc ngọt ngào, và thù ghét những người để lại vết thương lòng trong bạn thì bạn mới chỉ hiểu một nửa thông điệp của tạo hóa.

2. “Bất cứ điều gì xảy ra thì đó chính là điều nên xảy ra”

Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi kẹt cứng trên một tuyến đường vì phương tiện giao thông quá tải, trong khi có một cuộc phỏng vấn đang chờ. Bạn cũng sẽ thấy dằn vặt, đau thương và tiếc nuối ra sao khi mất mát đi một người thương yêu mình. Nhưng bạn có thể không ngờ rằng, nếu bạn đi nhanh hơn thì một chiếc ô tô lao vun vút trên con đường khác có thể cướp đi mạng sống của bạn, và một nửa đích thực của bạn sẽ không có cơ hội được tìm thấy nếu bạn cứ ôm giữ hình bóng của quá khứ.

Không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi và đừng tốn thời gian để hối tiếc về những chuyện đã qua. Mỗi chuyện xảy ra đều là một mảnh ghép hoàn hảo trong một bức tranh to lớn của cuộc đời.


Mỗi chuyện xảy ra đều là một mảnh ghép hoàn hảo. (Ảnh: Internet)

3. “Chuyện gì đến, nó sẽ đến”

Chúng ta không thể ngăn chặn những điều mình không thể đoán trước xảy ra. Việc lo sợ vào một ngày chuyện tồi tệ ập đến sẽ khiến bạn quên đi những giây phút đáng quý của hiện tại. Dù là niềm vui hay nỗi buồn, hãy học cách dũng cảm đón nhận nó. Bạn không thể kiểm soát thế giới xung quanh. 


Dù là niềm vui hay nỗi buồn, hãy học cách dũng cảm đón nhận nó. (Ảnh: Internet)

4. “Những gì đã qua, hãy cho qua”

Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã đi hết nhiệm vụ của mình. Mối duyên phận của chúng ta với điều đó đã chấm dứt, để nhường một mối nhân duyên khác hội tụ. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình mà không nên ôm mãi những phiền muộn hay ký ức của quá khứ. 

Nhà sư Thích Thánh Tuệ cũng từng nói: 

“Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Bản chất của nhân duyên thì không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, còn khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ.

Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi có khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên sẽ khiến ta yếu đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta”.

Bạn thân mến, 

Hãy cứ sống như người Ấn Độ, để sinh mệnh mình trôi theo dòng chảy của vũ trụ, hòa cùng với những quy luật, đặc tính thiêng liêng và những mối nhân duyên đầy ý nghĩa. Bạn sẽ nhận ra rằng mỗi phút giây trên cuộc đời đều thật đáng quý tuyệt vời.

- Nguồn: Adamkhooeducation,

No comments:

Post a Comment